Espresso là cà phê pha máy!
Đúng, nhưng với câu trả lời như vậy sẽ vẫn chưa thật sự thỏa đáng. Với sự phát triển của ngành cà phê hiện nay, cà phê pha bằng máy có rất nhiều loại thức uống khác nhau, thậm chí bạn có thể pha một bình pour over bằng máy.
Vậy trong bài viết này hãy cùng Sơn Pacamara tìm hiểu Espresso là gì? Lịch sự hình thành cũng với những thay đổi từ thời điểm ra đời cho đến nay nhé!
Espresso là gì?
Espresso là phương pháp pha cà phê bằng máy của Ý. Khác với các thức uống cà phê thông thường, cà phê Espresso được chiết xuất dưới áp suất cao (9 Bar) để đẩy nước nóng (90 – 95 độ C) qua lớp cà phê xay rất mịn. Với điều kiện chiết xuất này, các thành phần có trong cà phê được lấy ra rất nhiều trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy thông thường một ly espresso sẽ đem đến độ đậm và độ dày của vị cao hơn so với các phương pháp pha cà phê khác.
Khi nhìn vào một shot Espresso, chúng ta thường thấy có một lớp vàng óng ánh xuất hiện trên bề mặt, lớp vàng đó có tên là Crema. Lớp Crema là sản phẩm phụ trong quá trình chiết xuất, được hình thành khi khí CO2 kết hợp với dầu có trong cà phê được chiết xuất dưới áp suất lớn.
Để dễ hình dung bạn có thể liên tưởng đến việc mở nắp chai Coca, khi đó áp suất trong chai lớn hơn so với áp suất bên ngoài dẫn đến các khí có trong nước sẽ lặp tức bay hơi tạo nên các bọt không khí nhỏ và hiện tượng sủi bọt.
Tuy nhiên, vị của lớp Crema trong Espresso lại không khiến nhiều người thực sự thích như vẻ ngoài của nó. Tụi mình khuyên bạn nên khuấy đều espresso trước khi uống, việc khuấy này giúp trộn đều các thành phần trong Espresso giúp cho chúng ta cảm nhận được hương vị cân bằng nhất.
Xem bài viết: Britta Folmer nói về lớp Crema và ảnh hưởng đến tâm lý người uống
Espresso được ra đời khi nào?
Theo đa số các nguồn thông tin đều cho thấy nguồn gốc của Espresso bắt đầu từ thời kì hoàng kim của cuộc cách mạng công nghiệp hóa. Với sự phát triển vượt bật của ngành công nghiệp luyện kim và ứng dụng rộng rãi của cộng nghệ động cơ hơi nước giai đoạn cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19. Vào thời đó, mọi ý tưởng trong cuộc sống đều hướng tới cơ giới hóa để tăng năng suất lao động cũng như làm việc nhanh hơn. Pha cà phê cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Giống như trong cuộc sống ngày nay, chúng ta thấy mọi thứ đều có xu hướng số hóa nhờ sự phát triển của ngành IT.
Năm 1884, Angelo Moriondo (một nhà phát minh người Ý) đã có mong muốn tìm ra cách chế tạo ra một cỗ máy có thể pha cà phê nhanh hơn, tốc hành hơn. Thế là ông đưa ra ý tưởng tận dụng áp suất nồi hơi để ép nước qua cà phê nhanh hơn.
Từ một thiết kế đơn giản ban đầu, chiếc máy pha cà phê sử dụng nồi hơi đã dần dần có nhiều phiên bản với đa dạng thiết kế và công nghệ mới. Cho đến năm 1901, Bezzera và Pavoni đã giới thiệu cỗ máy mà họ gọi là “caffe Espresso” tại Milan.
Espresso được mô tả từ Coffee Express. Theo diễn giải nghĩa từ điển Oxford:
- Express (động từ): express something (from something) to remove air or liquid from something by pressing – Tạm dịch: Ép thứ gì đó (từ một thứ khác) để đẩy không khí hoặc chất lỏng bằng cách đè, nhấn.
- Express (tính từ): operating very quickly – Tạm dịch: Vận hành một cách tốc hành.
Sự đổi mới này thực sự đánh dấu khởi đầu ngành công nghiệp máy pha cà phê Espresso, những nhà sản xuất máy pha cà phê Espresso mới cũng nhanh chóng xuất hiện. Năm 1922, thương hiệu La Victory Arduino ra mắt poster quảng cáo vô cùng thành công được thiết kể bởi Leonetto Cappiello để nhấn mạnh vào khả năng làm ra một ly cà phê nhanh như thế nào từ máy Espresso.
Espresso từ Ý đã lan truyền rộng rãi đến các nước châu Âu và Mỹ khi đi kèm với “làn sóng cà phê thứ hai” với sựa xuất hiện của các chuỗi cà phê lớn như Starbucks.
Espresso hiện đại so với Espresso truyền thống
Sau hơn 130 năm, công nghệ đã phát triển và thay đổi máy pha cà phê Espresso lên một tầm cao mới. Máy Espresso ngày nay được tích hợp các bộ nồi hơi được sản xuất với công nghệ luyện kim tiên tiến, quá trình chiết xuất được điều khiển bằng kỹ thuật số chính xác và vô số công nghệ mới được giới thiệu đã cung cấp cho các Barista khả năng tối ưu hoá quá trình chiết xuất.
Chính vì vậy, các phong cách Espresso mới cũng dần xuất hiện. Điều này thể hiện khi Espresso đã phát triển và phân chia tách thành rất nhiều món cà phê khác biệt và mang những cái tên riêng. Một số loại thức uống phổ biến hiện nay như là:
- Các món không sữa (Espresso base): Ristretto, Lungo, Doppio, Americano,…
- Các món có sữa (Milk base): Latte, Cappuccino, Flat White, Macchiato, …
Tụi mình có bài viết riêng về các loại cà phê espresso này bạn có thể xem:
Các dụng cụ làm Espresso bạn cần có
- Máy pha espresso
- Portafilter (Tay cầm)
- Basket
- Máy xay
- Tamper
- Cân
- Chắc chắn không thể thiếu: cà phê specialty
Hướng dẫn làm Espresso đơn giản
Các yếu tố chính bạn cần quan tâm và có thể điều chỉnh khi làm Espresso:
- Mức xay cà phê: Espresso thông thường sẽ yêu cầu một mức xay rất mịn (như bột mì), bạn có thể điều chỉnh mỗi ngày để đạt được mong muốn.
- Dose (lượng cà phê bạn dùng): lượng cà phê này sẽ tuỳ thuộc vào basket của bạn. Với các máy tại nhà thường sẽ từ dùng từ 8-10gr, với các máy espresso hiện đại có thể dùng từ 15-20gr.
- Tỉ lệ cà phê và nước: tỉ lệ thông thường cho espresso có thể dao động từ 1:1,5 đến 1:2,5. Tỉ lệ càng cao thì càng loãng nhưng bù lại khả năng chiết xuất được chất càng nhiều
Tip: tụi mình thường lưu lại profile của mình mỗi lần làm để có thể lặp lại profile đó liên tục, giúp tiết kiệm thời gian và cà phê. Một Profile thông thường sẽ có:
- Mức xay
- Dose in – dose out (lượng cà phê lấy vào và lượng nước lấy ra)
- Thời gian: thời gian cà phê bắt đầu chảy và thời gian kết thúc
Để làm Espresso ngon thật sự rất khó vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Đây là hướng dẫn cơ bản của tụi mình với các con số đã được chuẩn hoá để bạn có thử ngay tại nhà hoặc tham khảo thêm
Hướng dẫn pha Espresso tại nhà
Vậy tóm lại Espresso là gì?
Cũng tương tự như cà phê Phin Việt Nam chúng ta, được giữ nguyên cái tên “Phin” khi đưa sang các ngôn ngữ khác nhau. Espresso không chỉ là “cà phê pha máy” mà nó còn là niềm tự hào của người Ý với bề dày lịch sử lẫn những đặc tính độc đáo.
Lần tới đến một quán cà phê đừng ngần ngại gọi cho mình một ly Espresso nhé!
Enjoy your coffee!