Cách pha cà phê với Origami

Nội dung bài viết

Pha cà phê bằng Origami ngay tại nhà, một dụng cụ không chỉ đẹp mà còn dễ dàng đem đến một ly cà phê thơm ngon và đầy đủ các hương vị tự nhiên tốt nhất của hạt cà phê.

Với Origami bạn có thể dùng chung giấy lọc với V60 hoặc Kalita Wave. Tại Sơn Pacamara, tụi mình vô cùng yêu thích kết hợp Origami và giấy Kalita wave vì có đáy phẳng giúp quá trình chiết suất đồng đều và đơn giản hơn.

Dụng cụ cần chuẩn bị

  • Phễu Origami
  • Giấy lọc Kalita wave (nên dùng loại màu trắng để tránh bị mùi giấy)
  • Cân điện tử
  • Đồng hồ đo thời gian
  • Bình rót nước (nên dùng bình cổ ngỗng để ổn định dòng chảy)
  • Máy xay cà phê (nếu mua cà phê hạt)

THỜI GIAN LÀM: 4 PHÚT

Các con số bạn sẽ cần

Tỉ lệ cà phê và nước tụi mình hay dùng 1 : 13 đến 1 : 15

Thời gian pha dao động từ 2p30 – 2p45s

Mức độ xay: bình thường

Khối lượng cà phê: 18 – 20gr cho một đến hai người uống

Okay, chúng ta bắt đầu thôi!

Bước 1

Đun khoảng 600ml nước sôi, nước này vừa dùng để pha cà phê, để tráng giấy và làm nóng dụng cụ trước khi pha

Bước 2

Trong thời gian nấu nước, xay lượng cà phê bạn sử dụng. Tỉ lệ nước và cà phê chúng tôi khuyến khích sử dụng là từ 1:13 đến 1:15, càng thấp thì vị cà phê càng đậm (đừng hiểu lầm, đậm không có nghĩa là sẽ đắng bạn nhé)

Ví dụ bạn dùng 15gr cà phê với tỉ lệ 1:15 thì lượng nước đổ vào là 15gr x 15 = 225gr (tương đương 225ml nước)

Bước 3

Đặt giấy vào trong phễu, dùng nước sôi tráng đều giấy để làm sạch, khử mùi giấy và đồng thời làm nóng dụng cụ giúp quá trình chiết suất tốt hơn.

Bước 4

Đổ phần cà phê đã xay vào, dùng tay vỗ nhẹ vào phễu Origami để làm phẳng bề mặt cà phê trước khi pha. Cẩn thận đặt dụng cụ Origami đứng thẳng tránh để bị nghiêng.

Lưu ý không nên dùng tay ấn trực tiếp vào bề mặt cà phê để làm phẳng.

Xếp mọi thứ lên cân và đặt cân về lại 0gr. Bắt đầu cho thời gian chạy khi bạn bắt đầu pha.

Bước 5

Cà phê sau khi rang còn rất nhiều khí C02 bên trong, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất của hạt cà phê. Vì vậy, chúng ta sẽ đổ một lượng nước vào đầu tiên theo tỉ lệ từ (1:2 đến 1:3) trong thời gian từ 30s đến 45s để nước ngấm đều vào các hạt cà phê và nhả khí C02. Quá trình này gọi là Blooming.

Ví dụ: bạn dùng 15gr cà phê thì sẽ rót khoảng 30ml nước vào và chờ 30s.

Lưu ý: rót đều và nhẹ nhàng từ giữa xoắn ốc ra mép, làm ướt đều tất cả hạt cà phê.

Tip: Nếu cà phê rang càng mới thì tỉ lệ nước và thời gian blooming càng lớn

Bước 6

Tiếp tục rót tiếp phần nước còn lại theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài và ngược lại. Đảm bảo nước được rót đều khắp bề mặt cà phê.

Tip: Nên chia lượng nước ra thành 2 đợt và rót từng đợt 1 để khuấy động đồng đều hơn.

Lưu ý: giữa các đợt rót nước không nên để nước rút hết dễ tạo nên ly cà phê đắng và chát. Thời gian kết thúc tổng quá trình rót nước nên từ 2p30s đến 3p.

Bước 7

Sau khi đợi phần nước chảy xuống hết, lấy bình cà phê ra lắc nhẹ để các hương vị trộn đều với nhau và thưởng thức thôi.

Vậy nếu ly cà phê vẫn chưa đạt được hương vị như bạn mong muốn thì sao nhỉ?

Đừng quá lo lắng, hãy cảm nhận kỹ ly cà phê của mình. Sau đó note lại hương vị và inbox trang fan page của tụi mình để tụi Sơn Pacamara hỗ trợ thêm bạn nhé.

Với phương pháp pha Pour over ngoài Origami ra thì tụi mình còn vô cùng yêu thích dụng cụ V60, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Chúc bạn thưởng thức ngon miệng.